
CEO CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
- Chị VŨ THỊ MAI - Tổng Giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai
CỔ ĐÔNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
- Anh Trịnh Việt Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Nako Việt Nam
- Anh Lê Thành Công - Giám đốc Công ty TNHH RAPIDO Việt Nam
Vấn đề của một doanh nghiệp gia đình kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ đã có 20 năm kinh nghiệm trên thị trường. Từ khi thành lập đến nay, CEO vừa là người nắm giữ vai trò điều hành cao nhất vừa là Chủ tịch HĐQT của công ty. Dưới sự dẫn dắt của HĐQT cũng như CEO, doanh nghiệp đã tạo dựng được chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường, thương hiệu có uy tín, doanh số, lợi nhuận tăng trưởng ổn định. Với đà thuận lợi đó, doanh nghiệp đề ra mục tiêu trong thời gian tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường ra nước ngoài nhằm đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chiến lược mới thì sự chồng chéo trong việc điều hành và quản trị đang khiến CEO gặp nhiều áp lực, thách thức. HĐQT nhận thấy, CEO với vai trò vừa là người điều hành, vừa là Chủ tịch HĐQT chịu nhiều sức ép do cùng lúc thực hiện các công việc điều hành và quản trị chiến lược cho công ty. Các cổ đông lo lắng doanh nghiệp sẽ không thực hiện thực hiện được các chiến lược mới cũng như hoạt động kinh doanh hiện tại sẽ bị ảnh hưởng. Điều này vượt quá tầm của CEO hiện nay, nhất là những yêu cầu đòi hỏi mới cần có CEO chuyên nghiệp để dẫn dắt công ty phát triển theo chiến lược mới. Trước tình hình đó, CEO và các thành viên HĐQT đã ngồi lại với nhau để bàn bạc giải pháp kịp thời cho công ty. Theo đó, các thành viên HĐQT cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp nên tách bạch vai trò chủ tịch HĐQT và CEO, không nên tiếp tục kiêm nhiệm như hiện nay. CEO sẽ giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và chuyên giao vị trí điều hành cho một CEO chuyên nghiệp thuê từ ngoài vào. Khi đưa vấn đề này ra bàn bạc và thảo luận thì giữa CEO và các thành viên HĐQT đã nẩy sinh bất đồng quan điểm.
CEO cho rằng: không cần phải tách bạch vai trò Chủ tịch HĐQT và CEO như vậy. Thứ nhất, việc vừa đảm nhiệm vai trò quản trị và điều hành cao nhất đã giúp bộ máy quản trị và điều hành tối ưu hoá và nhờ thế mà doanh nghiệp gặt hái được nhiều thành công. Thứ hai, để tìm được một người đủ năng lực, khả năng và hiểu biết về đảm nhiệm vai trò CEO là điều không dễ dàng. Nếu không cẩn thận sẽ “gửi trứng cho ác”. Thậm chí có thuê được người bên ngoài, với cơ chế quản lý doanh nghiệp gia đình hiện nay, cũng chưa có được một bộ máy theo dõi và kiểm soát từ phía HĐQT. Và quan trọng hơn nữa, để gánh vác trách nhiệm điều hành cao nhất phải là người trong gia đình thì họ mới lăn xả và sống chết vì doanh nghiệp. Do đó, CEO không đồng tình với quan điểm này của HĐQT.
Các thành viên HĐQT lại cho rằng: Muốn đạt được các mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra, sắp tới doanh nghiệp cần phải tính toán đến các giải pháp như: lên sàn huy động hoặc tìm đối tác để hợp tác. Đây đều là những vấn đề chiến lược quan trọng và cần được sự quan tâm của HĐQT, đặc biệt là chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, với việc kiêm nhiệm hiện nay, CEO vừa phải thực hiện các công việc ngắn hạn, mang tính điều hành hàng ngày vừa phải lo các vấn đề chiến lược dài hạn trong vai trò Chủ tịch HĐQT. Điều này khiến công việc quản trị và điều hành bị chồng chéo, thiếu rõ ràng và trong nhiều trường hợp dễ mâu thuẫn nhau. Do đó, cần thuê một CEO chuyên nghiệp để tách bạch hoạt động điều hành và quản trị. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm người tài từ ngoài vào, có ý kiến độc lập và đưa công ty chuẩn hoá bộ máy điều hành và quản trị. Từ đó sẽ tạo thêm niềm tin cho các cổ đông, các đối tác hợp tác, khách hàng….và tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện các tham vọng của doanh nghiệp.
Trước ý kiến này của các thành viên HĐQT, CEO vẫn không đồng thuận, vì cho rằng: Đã có rất nhiều doanh nghiệp gặp thất bại khi thuê CEO ngoài về điều hành. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp còn “tiền mất tật mang” vì giao sản nghiệp cho người ngoài mà không có các cơ chế kiểm soát tương ứng.. Chưa kể đến, trong bối cảnh mới của doanh nghiệp, việc kiêm nhiệm quản trị và điều hành sẽ giúp doanh nghiệp quản lý vốn tốt hơn, trách thất thoát, tổn thất. Và quan trọng hơn là giữ vững cấu trúc doanh nghiệp gia đình, tạo nền tảng vững chắc để trở thành một doanh nghiệp gia đình lớn mạnh. Do đó, CEO nhất quyết không đồng tình với ý kiến của các thành viên HĐQT.